Vặn mình ở trẻ sơ sinh là vấn đề khá phổ biến và xảy ra ở đa số trẻ dưới 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, khi trẻ vặn mình nhiều và liên tục cũng sẽ khiến cha mẹ không khỏi lo lắng và thắc mắc liệu đây có phải là một dấu hiệu nguy hiểm? Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng vặn mình nhiều ở trẻ.
Vì sao trẻ vặn mình nhiều khi ngủ?
Có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh vặn mình nhiều khi ngủ. Dưới đây là 3 nguyên nhân phổ biến và thường gặp.
Vặn mình sinh lý
Vặn mình sinh lý là biểu hiện hoàn toàn bình thường khi bé chỉ vặn người, chân tay nắm chặt, gồng mình và đỏ mặt trong vài phút rồi tự biến mất. Hiện tượng này thường chỉ xuất hiện khi bé được 2-3 tháng tuổi nhưng có khi lại xuất hiện khi bé được 10-15 ngày sau sinh và chúng sẽ đều biến mất sau 3 tháng đầu. Do đó, với trường hợp trẻ vặn mình sinh lý thì mẹ không cần lo lắng.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ vặn mình khi ngủ, một trong số đó là nguyên nhân sinh lý
Trẻ bị thiếu vitamin D hoặc mắc chứng còi xương
Trẻ bị còi xương là hậu quả của việc thiếu hụt vitamin D và canxi. Trong vòng 6 tháng đầu đời, nếu trẻ mắc phải chứng còi xương sẽ dễ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh. Vì thế nếu mẹ thấy trẻ vặn mình nhiều đi kèm với các dấu hiệu như: quấy khóc ban đêm, đổ mồ hôi trộn, rụng tóc vành khăn, chậm tăng cân, nổi rôm sảy,… thì cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trẻ bị rối loạn giấc ngủ
Khi trẻ sơ sinh mắc chứng rối loạn giấc ngủ thì ngoài việc vặn mình còn đi kèm một số biểu hiệu dễ nhận thấy như: ngủ mê, ít ngủ, hay nghiến răng, chậm tăng cân, hệ miễn dịch kém và dễ ốm vặt,…
Ngoài ra, trẻ vặn mình khi ngủ còn có thể do điều kiện ngủ không thoải mái như: bé quá đói hoặc quá no, tiếng ồn, nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh, ánh sáng mạnh,…
Vậy trẻ vặn mình nhiều có nguy hiểm?
Khi trẻ vặn mình nhiều, rướn người mà không đi kèm với những triệu chứng bất thường, trẻ vẫn hoạt động bình thường, bú đủ và tăng cân đều thì cha mẹ không cần lo lắng, điều này không có gì đáng để lo ngại. Cũng như người lớn, trẻ ở lứa tuổi sơ sinh cũng cần hoạt động cơ thể để hệ cơ được thư giãn và rắn chắc hơn, giúp trẻ phát triển tốt hơn.
Nếu trẻ chỉ vặn mình mà vẫn bú đủ, ngủ đủ giấc và tăng cân đều thì không có gì đáng lo ngại
Tuy nhiên, khi trẻ vặn mình thường xuyên đi kèm với chứng quấy khóc, mệt mỏi, biếng ăn, sút cân thì đây lại là vấn đề mà cha mẹ cần lưu tâm vì rất có thể trẻ đang bị thiếu canxi. Mà chứng thiếu canxi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của hệ xương, răng và tầm vóc của trẻ sau này. Đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi khoa là giải pháp đầu tiên mẹ cần làm.
Cách khắc phục tình trạng vặn mình ở trẻ sơ sinh
Làm dịu cơ thể trẻ
Nếu mẹ thấy bé đang trằn trọc khó ngủ bởi điều kiện phòng ngủ không phù hợp thì hãy chuyển bé vào một không gian ngủ thoáng đãng và yên tĩnh hơn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể thực hiện các động tác massage toàn thân cho bé để bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Thay đổi thói quen chăm sóc
Mẹ nên để ý xem quần áo ngủ của bé có mềm mại, rộng rãi và thoáng mát không. Hay có khiến bé cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu không. Đồng thời cũng cần thường xuyên kiểm tra xem ga, nệm có sạch sẽ không.
Thay đổi thói quen chăm sóc trẻ bằng việc vệ sinh sạch sẽ quần áo, chăn, đệm cũng là điều mẹ cần làm để đem lại cho trẻ một giấc ngủ thư thái
Nếu bé của mẹ đã ăn dặm, hãy kiểm tra lại thực đơn ăn uống của bé để xem chế độ dinh dưỡng có vấn đề gì hay không. Vì hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt nên khả năng trẻ vặn mình nhiều do đầy bụng, khó tiêu là khó tránh khỏi.
Cho trẻ tắm nắng thường xuyên
Việc cho trẻ sơ sinh tắm nắng mỗi ngày là điều hết sức cần thiết để trẻ hấp thu vitamin D một cách tự nhiên, khắc phục tình trạng thiếu hụt vitamin D ở trẻ. Thời điểm tắm nắng thích hợp nhất là trước 9h sáng và sau 5h chiều. Vào mùa đông mẹ có thể cho bé tắm nắng trước 10h sáng và sau 3h chiều, đặc biệt là cần tránh những nơi có gió lùa để tránh việc bé bị cảm lạnh.
Trên đây là những thông tin giúp giải đáp thắc mắc của mẹ về vấn đề: Trẻ vặn mình nhiều có phải là vấn đề nguy hiểm? Mong rằng với những kiến thức trên sẽ giúp ích cho mẹ trong việc đem lại cho bé yêu những giấc ngủ an toàn và thư thái.