Muốn nuôi con khỏe mạnh và phát triển cân đối, toàn diện, mẹ cần thiết lập một chế độ ăn uống khoa học và hợp lý với thể trạng của trẻ. Dưới đây là bí quyết xây dựng tháp dinh dưỡng cho bé đúng chuẩn khoa học mà mẹ nên tham khảo.
Vai trò của việc xây dựng tháp dinh dưỡng cho bé
Tháp dinh dưỡng là một mô hình dinh dưỡng chuẩn khoa học thể hiện đầy đủ các nhóm thực phẩm cần thiết cho sự sống và sự phát triển của cơ thể. Chúng được xây dựng theo hình kim tự tháp. Dựa theo tháp dinh dưỡng cho Viện Dinh dưỡng QUốc gia Việt Nam, các chuyên gia và bác sĩ đã tính toán và tạo ra tháp dinh dưỡng cho bé từ 6 tháng – 6 tuổi.
Nhìn vào tháp dinh dưỡng cho bé ta có thể thấy 6 nhóm thực phẩm chủ yếu gồm: tinh bột và ngũ cốc, chất xơ gồm rau xanh và hoa quả, sữa và các chế phẩm từ sữa, chất đạm từ thịt và cá, chất béo từ dầu mỡ, bữa phụ là các món ăn khác kèm theo.
Dựa vào tháp dinh dưỡng này, mẹ có thể thấy được những nhóm chất và thực phẩm nào là tốt cho bé. Một điều mẹ cần nhớ là ở mỗi lứa tuổi khác nhau thì nhu cầu dinh dưỡng của trẻ là khác nhau. Vì thế, trong quá trình chăm sóc, mẹ cần tuân thủ chế độ ăn theo tháp dinh dưỡng để đảm bảo bé được ăn đủ chất để phát triển khỏe mạnh và toàn diện.
Phân tích từng nhóm dinh dưỡng trong tháp dinh dưỡng cho bé
Nhóm tinh bột và ngũ cốc
Đây là nhóm chất cung cấp nguồn năng lượng chính cho hoạt động của bé, chiếm tới 60% trong tổng số năng lượng cần thiết. Theo số liệu được cung cấp, cứ 1 gram Carbonhydrat sẽ đáp ứng được 4 kcal năng lượng. Hơn nữa, nhóm chất tinh bột và đường còn giúp cân bằng các hoạt động của cơ thể, hình thành nên các mô cơ và tế bào, đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển của hệ thần kinh và duy trì một trí tuệ minh mẫn.
Nhóm chất này có ở trong nhiều loại thực phẩm như: lúa mì, bánh mì, khoai tây, khoai lang, ngô, ngũ cốc,… Trong đó, ở Việt Nam gạo là nguồn thức ăn chính cung cấp tinh bột nên đây cũng là món ăn quen thuộc dành cho các bé. Nếu bé nhà mẹ dưới 1 tuổi thì cần 60 – 120 gram gạo/ ngày, còn với bé từ 1 – 6 tuổi thì cần 120 – 220 gram/ ngày.
Nhóm chất xơ: rau, củ, quả
Trong tháp dinh dưỡng cho bé, các nhà khoa khẳng định trẻ ăn nhiều rau, củ, quả sẽ giúp cân bằng chất dinh dưỡng, giảm thiểu tình trạng béo phì, hạn chế chứng táo bón. Ngoài ra, khả năng ghi nhớ và tập trung của trẻ cũng được cải thiện. Bởi ngoài chất xơ, các loại rau, củ, quả còn chứa vitamin và chất khoáng, các chất chống oxi hóa cao.
Mẹ hãy bổ sung các loại rau có màu xanh đậm (rau cải xoăn, súp lơ xanh, rau bina,…), những loại hoa quả tươi và mọng nước (đu đủ, nho, chuối, kiwi, cherry, dâu tây, bơ,…). Các bác sĩ dinh dưỡng cũng khuyến cáo mỗi ngày cha mẹ cần bổ sung cho bé 300 gram nhóm chất này.
Tuy nhiên, hầu hết trẻ em đều rất lười ăn rau, điều này khiến cha mẹ không khỏi đau đầu. Mẹ có thể áp dụng một số cách để cải thiện tình trạng lười ăn rau của bé như: trang trí món rau với nhiều màu sắc và hình thù bắt mắt, nấu chung rau củ quả đi kèm với những món bé thích hoặc trang trí rau trên đĩa ăn. Nên nhớ đừng ép buộc bé phải ăn, hãy để bé tự khám phá và cảm thấy hứng thú với những món ăn mới.
Nhóm canxi gồm: sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa mẹ hay sữa động vật như sữa bò, sữa dê, sữa công thức đều là món ăn chứa rất nhiều dưỡng chất trong tháp dinh dưỡng cho bé, các axit béo đem lại hiệu quả cho sự phát triển trí não, giàu canxi hỗ trợ tốt cho hệ xương và răng của bé. Không những vậy, các chế phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai còn là bữa phụ tuyệt vời, mang đến nhiều dưỡng chất cho bé; đặc biệt là sữa chua giúp bổ sung nhiều lợi khuẩn, tốt cho hệ tiêu hóa.
Với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, nên được bổ sung sữa 3 đến 6 lần/ ngày, lượng sữa là 170 đến 250 ml/ lần. Còn trẻ từ 1 đến 6 tuổi thì bổ sung khoảng 400 đến 500 ml/ ngày vì ở độ tuổi này nguồn thức ăn chính của trẻ là cơm và những món ăn giàu dinh dưỡng khác.
Nhóm đạm gồm: đậu, thịt gà, thịt lợn, thịt bò, cá
Cũng giống như nhóm tinh bột và đường, cứ 1 gram chất đạm lại đem đến 4 kcal năng lượng. Được cung cấp đầy đủ chất đạm là cách hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn và ngăn ngừa bệnh tật. Mẹ có thể bổ sung đạm cho bé bằng nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, có 2 nhóm đạm đó là: đạm thực vật (các món đậu) và đạm động vật (thịt gà, thịt lợn, thịt bò, cá,…).
Với bé từ 6 tháng đến dưới 1 tuổi cần 12 – 25 gram đạm/ ngày, bé từ 1 – 6 tuổi cần 35 – 55 gram/ ngày.
Nhóm chất béo: dầu, mỡ
Các chất béo tuy không cần nhiều nhưng là chất không thể thiếu trong tháp dinh dưỡng cho bé. Bởi nó cung cấp nhiều năng lượng và là chất để hòa tan các nhóm vitamin tan trong dầu. Có thể kể để các loại vitamin tan trong dầu như: vitamin A, D, E, K.
Mẹ có thể lấy chất bèo từ các thức ăn như dầu thực vật, mỡ, vừng, lạc,… Mỗi ngày bé 6 tháng – 11 tháng cần 35 gram chất béo, bé 3 – 5 tuổi là 55 gram, còn với bé 4 – 6 tuổi là 40 gram.
Nhóm đồ ăn vặt và chất phụ gia như mắm, muối, đường
Mỗi ngày mẹ nên cho bé uống 1 ly nước ép hoặc nước sinh tố trái câu và không nên ăn quá 2 cái kẹo. Với bé dưới 1 tuổi, nên hạn chế nêm gia vị mắm, muối, mì chính vào món ăn của bé để phòng tình trạng bé bị ăn mặn gây hại cho thận. Khi bé được 1 – 6 tuổi, mỗi ngày mẹ chỉ cần nêm 0.5 gram muối là đủ.
Dựa vào tháp dinh dưỡng cho bé, cha mẹ có thể lựa chọn được những thực phẩm thực sự phù hợp và cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của bé yêu nhà mình. Trường hợp dù đã được bổ sung đầy đủ dưỡng chất nhưng bé lại gặp bất kỳ vấn đề nào đó về sức khỏe, hay tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.