Giấc ngủ là một nền tảng thiết yếu cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Học viện nhi khoa Hoa Kỳ ước tính rằng các vấn đề về giấc ngủ ảnh hưởng tới 25 % đến 50 % trẻ em và 40 % thanh thiếu niên.
Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với trẻ em và thanh thiếu niên
Giấc ngủ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển trí não trẻ. Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, nghiên cứu cho thấy giấc ngủ có liên quan đến sự tỉnh táo và chú ý của trẻ, hiệu suất nhận thức, tâm trạng, khả năng phục hồi, khả năng thu nhận từ vựng, học tập và trí nhớ. Giấc ngủ cũng có những ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển, đặc biệt là ở thời thơ ấu. Đặc biệt đối với trẻ mới biết đi, giấc ngủ trưa đóng vai trò vô cùng cần thiết trong việc củng cố trí nhớ và phát triển kỹ năng về nhận thức, vận động.
Những vấn đề xảy ra xung quanh trẻ như mọc răng, trẻ bị ốm, hay trẻ ở một nơi khác, thay đổi người chăm sóc mới, thay đổi lịch trình, nhiễm trùng tai…..cũng có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
Ngoài những vấn đề trên, khoảng 50% trẻ em bị rối loạn giấc ngủ ở một số thời điểm. Rối loạn giấc ngủ có liên quan mật thiết với sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của trẻ. Vấn đề này làm trầm trọng thêm vấn đề kia theo một chu kỳ khó có thể phá vỡ. Bên cạnh đó, một số tình trạng rối loạn giấc ngủ không biểu hiện rõ hoặc phản ánh các tình trạng khác nhau như chứng động kinh dẫn đến sự khó khăn trong quá trình chẩn đoán bệnh.
Một số chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất ở trẻ em là chứng kinh hoàng và ác mộng về đêm, ngưng thở khi ngủ, nói chuyện khi ngủ và mộng du, ngáy và hội chứng chân không yên.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối với thanh thiếu niên và trẻ nhỏ, cần có được giấc ngủ chất lượng để đảm bảo sự phát triển sâu sắc về tinh thần, thể chất, xã hội và cảm xúc.
Giấc ngủ ảnh hưởng đến các yếu tố như:
Tư duy và thành tích học tập
Giấc ngủ có lợi cho não bộ và thúc đẩy sự chú ý, trí nhớ và suy nghĩ phân tích. Nó giúp tư duy trở nên nhạy bén hơn, nhận biết những thông tin quan trọng nhất để củng cố việc học.
Giấc ngủ cũng tạo điều kiện cho việc mở rộng suy nghĩ, thúc đẩy sự sáng tạo. Cho dù đó là học để kiểm tra, học một nhạc cụ hay đạt được các kỹ năng công việc, giấc ngủ rất cần thiết đối với trẻ.
Với tầm quan trọng của giấc ngủ đối với chức năng của não, thật dễ hiểu tại sao trẻ em ngủ không đủ giấc có xu hướng bị buồn ngủ quá mức và thiếu sự chú ý. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ.
Sức khỏe tinh thần
Ngủ không đủ giấc gây ra cảm giác cáu kỉnh và phản ứng thái quá. Theo thời gian, hậu quả có thể còn lớn hơn đối với những thanh thiếu niên đang thích nghi với sự độc lập, trách nhiệm và các mối quan hệ xã hội mới.
Mất ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ tình cảm, làm tăng nguy cơ xung đột giữa các cá nhân cũng như làm nghiêm trọng hơn các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Cải thiện giấc ngủ ở trẻ em đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc giảm các triệu chứng của chúng.
Phát triển thể chất
Giấc ngủ góp phần vào chức năng của hầu hết mọi cơ quan của cơ thể. Giấc ngủ giúp tăng cường sức mạnh cho hệ thống miễn dịch, giúp điều chỉnh hormone và cho phép phục hồi cơ và mô.
Sự phát triển thể chất đáng kể xảy ra trong thời kỳ thanh thiếu niên và có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do thiếu ngủ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những thanh thiếu niên không ngủ đủ giấc gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Điều này có thể khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường và các vấn đề tim mạch lâu dài.
Ra quyết định và hành vi
Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thùy trán, một phần của não bộ, đóng vai trò rất quan trọng để kiểm soát hành vi bốc đồng.
Các vấn đề về hành vi có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của một đứa trẻ, làm sa sút kết quả học tập cũng như các mối quan hệ của họ với gia đình và bạn bè.
Trẻ em cần ngủ bao nhiêu?
Khi lớn lên trẻ không còn ngủ nhiều như khi còn bé nhưng ngủ bao nhiêu là đủ?
Thời gian ngủ của mỗi đứa trẻ có sự khác nhau, một số cần ngủ nhiều hơn và một số trẻ khác cần ngủ ít hơn.
Dưới đây là hướng dẫn chung về số giờ ngủ trung bình mà một đứa trẻ cần trong khoảng 24 giờ.