Trẻ bị mồ hôi trộm ở đầu là tình trạng không hiếm gặp, tuy nhiên vấn đề này có gây nguy hại cho sức khỏe của con hay không và nguyên nhân vì sao trẻ lại bị ra mồ hôi trộm? Mẹ hãy tìm hiểu một số thông tin trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về tình trạng này nhé.
Mẹ có biết vì sao trẻ bị mồ hôi trộm ở đầu?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng mồ hôi trộm ở đầu, tuy nhiên theo nghiên cứu của một số chuyên gia, trẻ bị ra mồ hôi trộm nhiều ở đầu là do hệ thần kinh thực vật của bé chưa ổn định và phát triển hoàn thiện khiến bé chưa thể tự điều tiết thân nhiệt.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác cũng khiến trẻ bị ra mồ hôi trộm như sau:
- Thiếu vitamin D: Thông thường, với những trẻ sinh non, thiếu tháng bé rất dễ bị thiếu vitamin D điều này khiến trẻ hay bị ra mồ hôi trộm, cơ thể mệt mỏi, quấy khóc, ngủ không yên giấc thậm chí hay vặn mình, giật mình khi ngủ.
- Cách chăm sóc không phù hợp: Với những người lần đầu làm mẹ, việc chăm sóc trẻ còn nhiều bỡ ngỡ vì vậy có thể mắc một số sai lầm nhỏ khi chăm sóc sức khỏe cho con, điều này cũng khiến nhiều trẻ bị mồ hôi trộm ở đầu, chẳng hạn: Mẹ ủ ấm cho con quá kĩ, mặc quần áo không phù hợp, phòng ngủ không thoáng mát, kín hơi,…
- Trẻ bị kích thích quá mức: Nếu mẹ cho trẻ vui chơi quá mức có thể khiến bé bị căng thẳng thần kinh hoặc phấn khích quá mức, điều này gây ra sự sợ hãi trong giấc ngủ của bé, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động mạnh nên dễ làm bé ra mồ hôi trộm.
- Bé đang gặp vấn đề về bệnh lý: Một số trẻ khi bị ốm, sốt, cơ thể mệt mỏi, thân nhiệt tăng cao cũng có thể ra nhiều mồ hôi hơn để giúp cơ thể làm mát, tuy nhiên với trường hợp này mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.
Mẹ cần nắm rõ được nguyên nhân khiến trẻ bị mồ hôi trộm ở đầu để có giải pháp tốt nhất cho con
Cách trị dứt điểm tình trạng mồ hôi trộm ở đầu cho bé
Tình trạng ra mồ hôi trộm ở đầu của trẻ nếu xuất phát từ các yếu tố sinh lý, bé vẫn mạnh khỏe, bình thường và phát triển tốt thì mẹ không cần quá lo lắng. Dưới đây là một số biện pháp giúp hạn chế chứng ra mồ hôi trộm ở đầu cho con mẹ có thể tham khảo để đảm bảo an toàn sức khỏe đồng thời giúp con có giấc ngủ ngon, sâu giấc hơn:
- Nên lựa chọn những bộ quần áo thoáng mát, rộng rãi, dễ thấm hút mồ hôi cho bé
- Không nên ủ ấm bé quá kĩ và hạn chế đi ra ngoài khi trời nắng nóng
- Nếu bé bị đổ mồ hôi quá nhiều, mẹ sử dụng một chiếc khăn mềm để lau khô cơ thể cho bé, tránh để lâu khiến mồ hôi thấm ngược vào trong bé dễ bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Bổ sung thêm dinh dưỡng vào chế độ ăn hàng ngày, đảm bảo con đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất
- Trẻ bị mồ hôi trộm ở đầu thường dễ mất nước nên mẹ lưu ý bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho con như tăng cường cho bé bú sữa mẹ, có thể cho bé uống thêm nước lọc, các loại nước ép hoa quả, sinh tố,…
- Đảm bảo môi trường ngủ của con phải thoáng mát, sạch sẽ, nhiệt độ phòng phù hợp với thân nhiệt của bé
- Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để bổ sung các vi dưỡng chất cần thiết cho bé theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn
- Nên cho trẻ tắm nắng thường xuyên vào buổi sáng hoặc chiều muộn để tăng cường sức đề kháng đồng thời giúp con hấp thụ vitamin D tốt hơn
Trẻ bị mồ hôi trộm ở đầu không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cần được chăm sóc cẩn thận để không ảnh hưởng đến các sinh hoạt và giấc ngủ của con. Trong bất kỳ trường hợp nào nếu bé đang gặp vấn đề về sức khỏe thì mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời.