Chăm sóc trẻ sơ sinh là công việc hoàn toàn không đơn giản. Có những tình huống, thói quen chăm sóc hàng ngày mà bố mẹ không hề nhận ra rằng nó có hại cho sự phát triển của trẻ.
Quấn tã, bỉm hoặc chăn quá chặt
Một số bố mẹ cho rằng trẻ sơ sinh chưa quen với môi trường rộng rãi bên ngoài, hay bị giật mình hoặc cảm thấy lạnh. Do đó, các bố mẹ này thường quấn tã, quấn chăn rất chặt, bao bọc kín người trẻ. Một số khác tuy không quan niệm như thế nhưng lại thiếu kiến thức, chọn sai kích cỡ bỉm hoặc tã so với bé. Bỉm hoặc tã quá nhỏ cũng bó chặt vào cơ thể trẻ.
Thực tế, quan niệm quấn trẻ chặt để tránh bị giật mình là không đúng. Sử dụng tã, bỉm hay chăn quấn quá kỹ khiến các chất bã nhờn tiết ra từ da, các bụi bẩn, vi khuẩn không thoát được ra ngoài. Chúng kết hợp với mồ hôi, tạo thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm da phát triển. Trẻ sẽ dễ mắc các bệnh ngoài da như hăm, ngứa, rôm sảy hoặc nấm da,… Trường hợp nặng, da trẻ có thể bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Giặt quần áo của trẻ bằng bột giặt chứa chất tẩy mạnh
Làn da của trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm. Ngay cả khi bé lớn, da vẫn mỏng hơn 30% so với da người lớn. Vì vậy, bất cứ hóa chất gì cũng có khả năng gây kích ứng cho da bé, một trong số đó là các loại bột giặt và nước xả quần áo thường dùng trong gia đình.
Các loại bột giăt và nước xả vài này được sản xuất từ những hóa chất công nghiệp như sulfonate alkyl benzen, chứa chất tẩy và chất tạo hương mạnh. Nếu giặt không sạch, bột giặt hoặc nước xả còn lại dễ gây kích ứng, mẩn ngứa trên da bé. Do đó, lựa chọn tốt nhất là bố mẹ nên dùng nước giặt dành riêng cho quần áo trẻ em. Chúng dịu nhẹ, không chứa chất tẩy, hòa tan tốt trong nước nên không để lại cặn trên quần áo.
Tắm quá nhiều, quá kỹ
Đây là một trong những sai lầm hay gặp khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhiều bố mẹ cho rằng tắm cho trẻ sạch sẽ, thường xuyên là điều rất tốt. Tuy nhiên, việc tắm cho trẻ nhiều lần chưa hẳn đã mang lại lợi ích.
Da trẻ rất mỏng, các mạch máu nằm ngay dưới lớp da. Nếu tắm quá nhiều, nhất là tắm bằng các loại xà phòng, sữa tắm có tính kiềm mạnh sẽ khiến da trẻ bị kích ứng, mẩn đỏ. Đồng thời, trong quá trình tắm, động tác kỳ cọ và dội nước sẽ rửa trôi đi lớp bảo vệ tự nhiên và độ ẩm trên da bé, giảm khả năng tự bảo vệ của làn da.
Cho trẻ ngủ cùng giường với bố mẹ
Đa số người Việt Nam cho rằng con nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh ngủ chung với bố mẹ sẽ tiện chăm sóc bé hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, trẻ nằm ngủ chung với bố mẹ chịu nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trong khi ngủ, người lớn hít vào một lượng oxy và thải ra lượng khí CO2 lớn hơn nhiều lần so với trẻ. Như vậy, trẻ sẽ không nhận được lượng oxy dồi dào mà ngược lại còn hít phải CO2, ảnh hưởng tới hệ hô hấp và giấc ngủ của trẻ.
Lâu dần, trẻ sẽ thường xuyên tỉnh dậy, quấy khóc lúc nửa đêm, ngủ không tròn giấc. Đó là chưa kể nếu không gian giường chật hẹp, khi ngủ nếu vô tình người lớn có thể đè vào trẻ hoặc để chăn gối to và nặng đè lên người trẻ, gây ngạt thở hoặc chấn thương nguy hiểm.
Tốt nhất nên cho bé ngủ riêng hoặc nằm đệm riêng.
Để hoa trong phòng ngủ của trẻ
Không nên để hoa trong phòng ngủ của trẻ sơ sinh, đặc biệt là những bình hoa to hoặc các loại hoa có hương thơm, nhiều phấn. Phấn hoa hoặc hương thơm mạnh có thể khiến trẻ bị dị ứng, kích thích khứu giác làm trẻ ngủ không ngon. Ngoài ra, vào ban đêm, các loài thực vật nói chung đều thực hiện quá trình hấp thụ oxy và thải ra khí CO2. Do đó, việc đặt cây cối, hoa trong phòng vô tình làm giảm lượng dưỡng khí cần thiết cho trẻ.
Nguy hiểm hơn, một số loại cây hoa có độc như trúc đào, đinh hương có thể khiến trẻ bị ngộ độc nếu ăn phải. Các loài cây như xương rồng có gai nhọn dễ làm trẻ bị thương nếu va chạm phải.
Tác động lực mạnh vào đầu, lưng hoặc tung hứng trẻ
Vùng đầu và sống lung là nơi tập trung các dây thần kinh, tủy sống. Ngoài ra, vì xương của trẻ còn yếu nên xương sọ hoặc xương sống rất dễ bị rạn, nứt nếu chịu tác động mạnh. Chấn thương ở những vùng này gây ảnh hưởng trực tiếp tới thần kinh, dẫn đến di chứng nặng nề như liệt, chấn thương sọ não,…
Một số bố mẹ lại thường cưng nựng trẻ bằng cách tung trẻ lên cao, để trẻ cười. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm dễ gây ra hiện tượng lồng ruột ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, một số trường hợp đáng tiếc do bố mẹ không kịp đỡ trẻ bị ngã gây ra chấn thương sọ não hoặc gãy tay, chân.