Quấy khóc, gắt ngủ ban đêm là tình trạng không hiếm gặp ở các bé, nhất là trong những năm tháng đầu đời. Hầu hết mỗi mẹ lại có cách đối phó với tình trạng này khác nhau, nhưng khi được hỏi về nguyên nhân trẻ hay khóc đêm thì nhiều người lại tỏ ra lúng túng.
Những đêm dài trông con khóc đêm
Câu chuyện trông con khóc đêm của mỗi người mỗi khác. Có mẹ một mình ôm con, cũng có mẹ cả nhà thao thức. Có trường hợp con khóc đến mức phải đưa con đi viện vì sợ bé đau ở đâu. Tuy nhiên, trên tất cả là nỗi niềm lo lắng chung về tình trạng này.
Trẻ hay khóc đêm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cha mẹ
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Không chỉ giúp bé tăng trưởng nhờ lượng hormone GH được tiết ra gấp nhiều lần, mà còn giúp tinh thần con được thoải mái, tăng khả năng ghi nhớ, thực hành. Tuy nhiên, những nguyên nhân trẻ hay khóc đêm lại rất nhiều khiến tình trạng này thường xuyên diễn ra. Theo thống kê, có khoảng 25 – 40% số trẻ em tại Việt Nam từng mắc rối loạn giấc ngủ ít nhất một lần trong đời. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, khóc đếm liên tục còn khiến cha mẹ mệt mỏi, sinh hoạt gia đình bị đảo lộn.
Những nguyên nhân trẻ hay khóc đêm chủ yếu
Tác động từ môi trường bên ngoài
Nhất là với những bé mới được sinh ra, còn đang tập thích nghi dần với môi trường bên ngoài. Vì thế, một tác động nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng làm bé cáu gắt và khóc đêm. Những nguyên nhân thường thấy trong trường hợp này sẽ là tiếng ồn lớn hoặc bất chợt; ánh sáng không phù hợp (quá sáng/quá tối); không gian chật hẹp, bí bách; nhiệt độ phòng lạnh hoặc nóng,….Bên cạnh đó, nhiều bé quấy khóc đêm do phải tiếp xúc với nhiều người trong ngày. Nhất là ở Việt Nam khi văn hóa thăm người mới sinh em bé phổ biến. Điều này vô tình tạo áp lực lên đứa trẻ khiến con khóc đêm. Đôi khi bé khóc đêm cũng đến từ việc con không thoải mái vì tã, bỉm bị bẩn, ngứa ngáy, dị ứng khó chịu.
Những tác động từ môi trường bên ngoài như âm thanh, ánh sáng, không khí có thể là nguyên nhân khiến trẻ khóc đêm
Đối phó với tình trạng này, mẹ hãy dọn dẹp không gian nghỉ ngơi cho con tốt nhất, thường xuyên kiểm tra tã, bỉm, quần áo, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để con được ngủ ngon, không bị gián đoạn giấc ngủ.
Nguyên nhân trẻ hay khóc đêm do yếu tố dinh dưỡng
Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu vi chất là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khóc đêm, khó ngủ ở trẻ. Vitamin D, canxi, magie, kẽm, …đều là những vi chất tác động rất lớn đến giấc ngủ của trẻ. Việc thiếu vi chất thường xảy ra ở các bé có chế độ ăn uống không đảm bảo, sữa mẹ không đủ chất, hoặc gia đình cho con kiêng khem quá nhiều. Không chỉ ảnh hưởng đến giấc, thiếu vi chất cũng sẽ khiến bé bị thiệt thòi hơn trong việc phát triển thể chất cũng như tinh thần.
Với nguyên nhân trẻ hay khóc đêm do yếu tố dinh dưỡng, mẹ có thể chủ động cho con đi khám dinh dưỡng để phát hiện những vi chất bị thiếu, có kế hoạch bổ sung theo chế độ ăn hoặc các thực phẩm bổ sung chuyên biệt.
Vấn đề sức khỏe
Bé bị ốm, sốt mọc răng, rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp,… đều có thể dẫn đến việc khóc đêm, khó ngủ ở trẻ. Khi bé còn quá nhỏ, tiếng khóc trở thành phương tiện giao tiếp duy nhất để nói cho mẹ biết con đang bị khó chịu. Với nhóm nguyên nhân này, mẹ nên đưa bé đi khám bác sỹ để nhanh chóng giúp con khỏe lại.
Yếu tố tinh thần
Bên cạnh các yếu tố về thể chất và bệnh lý, nguyên nhân trẻ hay khóc đêm có thể là do yếu tố tinh thần. Khi con tỉnh lại vào ban đêm, xung quanh là bóng tối khiến bé sợ hãi, cô đơn. Bé sẽ khóc khi không có mẹ ở bên. Hoặc ban ngày, nhất là lúc đi ngủ con được nô đùa nhiều khiến những kích thích, hưng phấn còn đọng lại, những giấc mộng sẽ xuất hiện cản trở giấc ngủ của con. Nguyên nhân trẻ khóc đêm cũng đến từ sự căng thẳng khi phải tiếp xúc với quá nhiều người lạ.
Vì thế, với trẻ nhỏ, hạn chế để con nô đùa quá mức, cũng như tiếp xúc với người lạ. Khi con khóc đêm do gặp phải ác mộng hãy ở bên vỗ về và an ủi để bé trấn tĩnh, an tâm hơn bởi đã có mẹ ở bên cạnh đây rồi.
Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác như: trẻ bị đói hay được ăn no trước khi đi ngủ, bé ngủ ngày nhiều nên không muốn ngủ vào ban đêm, trẻ đang trải qua giai đoạn tuần khủng hoảng cũng có thể khiến bé hay khóc đêm.
Các nguyên nhân trẻ hay khóc đêm trẻ hay khóc đêm cũng đa dạng, mỗi bé mỗi khác. Vì vậy, không thể áp dụng cứng một cách cho nhiều bé được. Trên đây là tổng hợp những trường hợp trẻ hay khóc đêm, với mỗi nguyên nhân sẽ có một giải pháp khác biệt. Điều quan trọng mẹ cần phát hiện được nguyên nhân để có hướng đi đúng đắn nhất. Nếu tình trạng trẻ khóc đêm diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp, mẹ hãy nhờ đến sự tham khám và tư vấn của bác sỹ để có hướng giải quyết kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.