Trẻ sơ sinh có hệ thần kinh chưa ổn định và phát triển hoàn thiện nên bé rất dễ bị kích thích, căng thẳng quá mức dẫn đến quấy khóc, khó ngủ. Vậy, làm thế nào để giúp con trị dứt điểm tình trạng này? Mẹ hãy tham khảo một số mẹo trị trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ trong bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ
Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh quấy khóc, khó ngủ là do bé có các giấc ngủ ngắn, không sâu, đặc biệt với những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn thì việc tỉnh dậy và quấy khóc thường phổ biến hơn bởi dạ dày của trẻ rất nhỏ, sữa mẹ lại tiêu hóa nhanh nên nếu không được “nạp năng lượng” kịp thời sẽ khiến con quấy khóc, khó ngủ, mất ngủ.
Hầu hết trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, bé có thể sẽ ngủ khoảng 14 đến 17 tiếng mỗi ngày và chỉ thức dậy khi có nhu cầu về vệ sinh hay ăn uống. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi giai đoạn, trẻ sẽ có nhu cầu khác nhau, bên cạnh đó yếu tố chăm sóc, môi trường sống cũng tác động đến giấc ngủ vì vậy sẽ có trẻ ngủ ít, ngủ nhiều hoặc khó ngủ, ngủ không sâu.
Đa số các trường hợp trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ thường rơi vào giai đoạn trẻ từ 0 cho đến 3 tháng tuổi, nếu không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe thì sau 3 tháng con sẽ tự hết và bố mẹ không cần quá lo lắng về vấn đề này nếu như bé vẫn bú tốt, tăng cân và phát triển.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, giấc ngủ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố sau:
- Môi trường ngủ không thuận lợi: Phòng ngủ quá kín, bí hơi, không sạch sẽ, nhiều tiếng ồn, nhiệt độ phòng không phù hợp
- Trẻ cảm thấy khó chịu do chưa được vệ sinh sạch sẽ, tã/bỉm bị bẩn hoặc ướt, mẹ lựa chọn quần áo không phù hợp
- Da của bé khó chịu do bị côn trùng đốt hoặc mẹ vệ sinh cơ thể chưa sạch sẽ
- Bé bị phụ thuộc vào một số thói quen do mẹ tạo ra như bật nhạc, hát ru, kể chuyện, ngậm ti giả,… nếu không có những yếu tố này trẻ sẽ quấy khóc, khó ngủ
4 mẹo hay trị dứt điểm trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ
Không bỏ qua tín hiệu buồn ngủ của con
Thông thường, khi buồn ngủ trẻ sẽ có các dấu hiệu như dụi mắt, ngáp, thiếu tập trung,… nếu mẹ bỏ qua các “tín hiệu” này bé sẽ cáu gắt, khó chịu, mất ngủ và rất khó ngủ lại.
Thiết lập trình tự ngủ nhất quán
Đối với những trẻ sơ sinh được 6 đến 8 tuần tuổi, mẹ có thể dạy cho bé cách phân biệt ngày đêm và thiết lập giờ ngủ cố định cho con. Nên cho trẻ đi ngủ trước 9 giờ tối và thức dậy vào 7 giờ sáng hôm sau bởi đây là khoảng thời gian hormone tăng trưởng ở bé được giải phóng tối ưu giúp con phát triển về thể chất và trí tuệ rất tốt.
Ngoài ra, mẹ có thể thực hiện các trình tự đi ngủ cho trẻ như: Cho bé tắm nước ấm, massage cơ thể, đặt bé xuống giường khi thấy con có dấu hiệu buồn ngủ, giữ yên lặng để bé bắt đầu một giấc ngủ tốt nhất.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
Nếu trẻ đang trong giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn thì nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mẹ, đảm bảo đủ chất, tránh kiêng khem quá mức để không ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con. Đối với những trẻ dùng sữa công thức, mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn loại sữa phù hợp nhất cho con. Mẹ tuyệt đối không nên tự ý bổ sung các vi dưỡng chất cho con khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Tạo môi trường ngủ thuận lợi
Phòng ngủ của trẻ cần được thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo yên tĩnh và không bị làm phiền bởi tiếng ồn bên ngoài. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên thường xuyên thay chăn, ga, gối, dọn dẹp không gian ngủ để đảm bảo vi khuẩn không lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe và giấc ngủ của bé.
Trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ là vấn đề thường gặp, tuy nhiên bố mẹ cũng không nên chủ quan mà cần theo dõi cụ thể tình trạng của con, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời.