Hành trình chăm con chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bất kì một sự thay đổi nhỏ của con cũng có thể gây lo lắng cho bố mẹ. Và tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh cũng không phải là ngoại lệ. Đây là tình trạng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nôn trớ cũng có thể là một biểu hiện sinh lý bình thường trẻ sơ sinh. Tuy nhiên nó cũng có thể tiềm ẩn một bệnh lý nào đó.
Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là gì?
Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến trong những tuần đầu sau sinh, khi bé vừa ăn xong hay bé vặn người.
Nôn là tình trạng các chất trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua miệng do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co thắt của các cơ thành bụng. Và nôn được xem là một phản xạ bảo vệ cho cơ thể, nôn có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lí khác nhau. Dường như, nôn thường đi kèm những triệu chứng khác, như sốt hoặc tiêu chảy.
Trớ là sự di chuyển của chất trào ngược dạ dày qua hầu họng lên miệng ra ngoài số lượng ít, do sự co bóp đơn thuần của dạ dày. Và trớ chỉ do sự co bóp đơn thuần của dạ dày, thông thường trớ thường đi kèm với ợ hơi. Trớ rất hay gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt sau khi ti sữa mẹ.
Nguyên nhân của tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh là gì?
Nguyên nhân sinh lý
Trẻ sơ sinh có một hệ tiêu hóa còn non yếu, giữa thực quản và dạ dày có một cơ vòng, cơ này co thắt giúp ngăn ngừa sự trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản.
Ở trẻ sơ sinh, sự hoạt động của các cơ thắt còn chưa hoàn thiện, cộng thêm dạ dày ở trẻ sơ sinh thường nằm ngang hơn so với người lớn và thể tích dạ dày còn rất ít. Vì vậy trớ dễ xảy ra, đặc biệt nếu bé ăn quá no.
Do sai lầm về ăn uống và chăm sóc
- Cho bé ti mẹ không đúng tư thế, ngậm ti chưa đúng cách, làm bé nuốt phải nhiều khí vào dạ dày gây nôn trớ.
- Cho bé ăn một lượng quá nhiều mỗi cữ.
- Bé vừa ăn no đã đặt bé nằm ngay hoặc quấn tã chăn quá chặt, băng rốn chặt cũng có thể gây nôn trớ.
Bệnh lý
Một số bệnh lý cũng gây ra triệu chứng nôn trớ ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Bé bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, tình trạng nhiễm trùng có thể kích thích dạ dày gây ra nôn trớ ở trẻ sơ sinh. Ví dụ như viêm đường hô hấp trên, viêm màng não
- Do đau, chẳng hạn như sốt, đau tai hoặc tiêm phòng
- Tắc nghẽn trong dạ dày hoặc ruột, có thể do dị tật đường tiêu hóa như hẹp phì đại môn vị, thoát vị hoành, teo thực quản. Hoặc do một số bệnh lý ngoại khoa như tắc ruột, xoắn ruột, tình trạng này thường đi kèm nhiễm trùng toàn thân, bụng chướng, bí trung đại tiện, đi ngoài phân có máu, dịch dạ dầy nâu đen.
- Chóng mặt, có thể xảy ra sau khi xoay vòng quá nhiều
- Tình trạng không dung nạp sữa
Khi nào thì nôn trớ ở trẻ sơ sinh là bất thường?
- Trẻ không tăng cân, hoặc bị sụt cân
- Quấy khóc suốt ngày vì khó chịu
- Trẻ không chịu ti sữa
- Chất lỏng trào ra có màu bất thường như màu xanh lá cây, màu vàng, màu đỏ hồng hoặc trẻ nôn ra chất như bã cà phê.
- Tiêu chảy
- Khó thở
- Sốt
Nôn trớ sữa có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh không?
Nôn trớ ở bé bình thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Miễn là bé có vẻ vẫn thoải mái và ăn uống tốt và tăng cân, có rất ít lý do để lo lắng. Nếu bé tăng cân, thì bé sẽ không bị tổn hại bởi lượng calo bị mất khi bị nôn trớ.
Nếu nôn trớ liên quan đến một tình trạng bệnh lý, bé cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để đảm bảo bé được tăng trưởng đầy đủ.