Vặn mình là biểu hiện thường thấy ở hầu hết trẻ sơ sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy trẻ sơ sinh bị vặn mình có nguy hiểm không? Và làm thế nào để khắc phục vấn đề này cho con hiệu quả nhất? Mẹ hãy cùng tham khảo một số thông tin trong bài viết dưới đây.
Mẹ có biết tại sao trẻ sơ sinh bị vặn mình?
Thông thường, trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tháng tuổi rất hay vặn mình, điều này xuất phát từ việc bé chưa quen và thích nghi kịp với điều kiện, môi trường sống tự nhiên bên ngoài. Bên cạnh đó, hệ thần kinh chưa phát triển khiến trẻ có các biểu hiện như múa vờn chân tay, thường xuyên vận động để cảm thấy thoải mái nhất.
Tuy nhiên, vặn mình cũng có hai trường hợp là do sinh lý hoặc bệnh lý. Đối với những trẻ bị vặn mình sinh lý, trẻ thường sẽ bị một lúc rồi dừng hẳn, hiện tượng này có thể kéo dài đến khi bé được 2 – 3 tháng tuổi rồi tự hết. Ngoài ra, cũng có thể do một số yếu tố khác như:
- Môi trường ngủ không thuận lợi, phòng ngủ kín hơi, không thoáng mát, không đảm bảo vệ sinh khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi và vặn mình liên tục
- Nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh cũng là nguyên nhân khiến trẻ hay vặn mình
- Mẹ lựa chọn quần áo không phù hợp, có thể quá chật gây bí bách cho trẻ, bên cạnh đó cần kiểm tra tã/bỉm của bé xem có bị ướt hoặc bẩn hay không
- Trẻ bị kích thích, căng thẳng thần kinh quá mức do bị tiếp xúc với tiếng ồn hoặc đến nơi đông vui, náo nhiệt,…
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị vặn mình sinh lý, mẹ chỉ cần kiểm tra, theo dõi, thay đổi và giải quyết các nhu cầu của con phù hợp sẽ giúp bé ngủ ngon, sâu giấc và cải thiện chứng vặn mình tốt hơn, bé vẫn bú tốt, lên cân đều, phát triển bình thường thì mẹ không cần quá lo lắng.
Bên cạnh đó, một số trường hợp trẻ sơ sinh vặn mình có thể xuất phát từ yếu tố bệnh lý chẳng hạn như thiếu canxi, rối loạn tiêu hóa,…lúc này, ngoài biểu hiện vặn mình trẻ sẽ có một số biểu hiện khác đi kèm như ra mồ hôi trộm, bụng đau quặn, thường xuyên quấy khóc, ngủ hay giật mình và không sâu giấc. Nếu thấy con mệt mỏi, ốm sốt mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.
Biện pháp chữa trẻ sơ sinh vặn mình theo lời khuyên của chuyên gia
Theo các chuyên gia chăm sóc trẻ sơ sinh, khi thấy bé bị vặn mình, mẹ không nên quá lo lắng mà cần bình tĩnh, theo dõi cụ thể tình trạng của con để nắm bắt vấn đề và có giải pháp khắc phục an toàn, hiệu quả nhất. Mẹ tuyệt đối không nên áp dụng các mẹo lạ, mẹo dân gian để chữa trị khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin hoặc không có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo và lựa chọn một số biện pháp giúp cải thiện chứng vặn mình an toàn, hiệu quả cho con như sau:
- Thường xuyên cho trẻ tắm nắng vào buổi sớm, tốt nhất là từ 7 giờ sáng, lúc này ánh sáng dịu, rất tốt cho làn da cơ thể bé. Mỗi lần tắm nắng nên kéo dài từ 10 – 15 phút, khi tắm nắng mẹ nên tháo bỏ bớt lớp quần áo bên ngoài để con nhận được nhiều vitamin D tốt hơn.
- Tạo điều kiện, môi trường ngủ tốt nhất cho con, phòng ngủ cần được thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tiếng ồn và nhiệt độ phòng phù hợp với thân nhiệt của con
- Trước khi ngủ, mẹ nên cho trẻ tắm bằng nước ấm rồi thực hiện massage cơ thể cho bé để con cảm thấy thư giãn, thoải mái nhất
- Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, mẹ nên thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày cho phù hợp, tránh kiêng khem quá mức để ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con. Trong trường hợp nếu bé sử dụng sữa công thức, mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn cho con loại sữa phù hợp nhất, cung cấp đầy đủ lượng vitamin và dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của con.
Nếu trẻ sơ sinh bị vặn mình liên tục và có các dấu hiệu bất thường đi kèm mẹ không nên chủ quan mà cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để khám chữa kịp thời, tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển sau này của con.