Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý sẽ quyết định lớn đến khả năng tăng trưởng của trẻ. Với trẻ 1 tuổi thì càng quan trọng, bởi ở giai đoạn này trẻ rất cần được đáp ứng đủ dưỡng chất để phục vụ cho hoạt động tìm tòi, khám phá và tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ tìm hiểu chế độ ăn cho bé 1 tuổi giúp bé cao lớn, khỏe mạnh, thông minh.
Cân nặng và chiều cao tiêu chuẩn của bé 1 tuổi
Với bé trai:
- Về thể chất: cân nặng khoảng 9.6 kg, chiều cao 75.7 cm. Bé đã mọc 6-8 cái răng nhỏ
- Về tâm sinh lý: Bé nhận diện được khuôn mặt, tiếng nói của các thành viên trong gia đình như ông, bà, bố, mẹ, anh, chị. Bé cũng có thể gọi ba, mẹ, bà. Phân biệt được người lạ và người quen, thích bắt chuyện và cũng thích tập nói.
- Về vận động: Ở lứa tuổi này trẻ đã biết đứng và chập chững đi được vài bước. Nhiều bé còn rất thích vịn vào cầu thang và leo trèo trên đó.
Sự phát triển thể chất của bé trai và bé gái là khác nhau
Với bé gái:
- Về thể chất: bé gái cùng tuổi thường nhẹ cân và thấp hơn bé trai chút xíu nên mẹ cũng đừng lo lắng. Cân nặng của bé gái là khoảng 8.9 kg, chiều cao khoảng 74 cm.
- Về vận động và tâm sinh lý: bé gái cũng giống như bé trai. Bé cũng bắt đầu tập đi, tập nói, biết ê a những tiếng gọi ba, gọi mẹ hay những chữ đơn giản.
Chế độ ăn cho bé 1 tuổi
Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn cho bé 1 tuổi hợp lý nhất là:
- Mỗi ngày 3 bữa cháo
- 500-600 ml sữa/ ngày
- Bữa phụ là trái cai, nước ép, sữa chua, phô mai, váng sữa
Trong đó bữa chính là 3 bữa cháo phải đáp ứng đủ số lượng gram cần thiết cho mỗi nguyên liệu, bao gồm: gạo 40g gram, thịt/ cá/ tôm 30 gram, rau xanh 20 gram, dầu ăn/ mỡ 10 gram.
Mẹ cũng nên tập dần cho bé việc nhai rau củ và các món ăn trong các bữa cơm hàng ngày của gia đình. Sắp xếp cho bé được ngồi ăn cùng với cả nhà để bé học được tác phong ăn uống và cách nhai của mọi người.
Trẻ 1 tuổi cần ăn 3 bữa cháo mỗi ngày, cộng với 500-600 ml sữa
Ngoài ra, mẹ cũng cần thường xuyên bổ sung đa dạng các món ăn trong thực đơn của bé, không nên lạm dụng nước hầm xương, để bé ăn thịt sẽ nhiều dưỡng chất hơn uống nước.
Nếu bé không chịu ăn cháo, mẹ cũng đừng nên ép. Hãy để bé ăn ít một nhưng chia thành nhiều bữa và bổ sung thêm sữa vào bữa phụ.
Chế độ ăn cho bé 1 tuổi kiểu mẫu mà mẹ có thể tham khảo
Ngoài một chế độ ăn cho bé 1 tuổi với đầy đủ dưỡng chất, cha mẹ cũng cần thiết lập giờ giấc ăn uống khoa học và cố định cho bé để bé có những bữa ăn ngon miệng hơn.
- 7h00: 1 bát cháo hoặc nui xào thịt lợn và cà rốt
- 9h30: 200 ml sữa ( có thể là sữa tươi hoặc sữa công thức
- 12h00: 1 bát cháo thịt bò + rau đay + dầu mè
- 15h00: 1 miếng phô mai, hoặc 1 hộp sữa chua/ váng sữa + ít trái cây chín
- 18h00: 1 bát cháo cá + su su + dầu đậu nành
- 21h00: 200 ml sữa
- Ban đêm: 200 ml sữa
Chế độ ăn của trẻ 1 tuổi cần đủ 4 nhóm chất: đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và chất khoáng
Những lưu ý mẹ cần nhớ về chế độ ăn cho bé 1 tuổi
Trong năm tuổi đầu tiên là giai đoạn trẻ phát triển nhanh nhất, lúc này việc mẹ lo lắng, sốt sắng về chiều cao, cân năng cũng là điều đương nhiên. Nhưng từ 1 tuổi trở đi cân nặng của bé sẽ chững lại và dễ mắc bệnh chậm lớn không chỉ về cân nặng, chiều cao mà còn là khả năng nhận thức, vận động.
Nếu thấy bé có các dấu hiệu chậm nói, chậm đi hay nhận thức kém, mẹ hãy đưa bé đi khám để được bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ càng. Không tránh khỏi nguyên nhân trẻ biếng ăn do bẩm sinh, nhưng hầu hết nguyên nhân là do bố mẹ chăm sóc sai cách. Tốt nhất, mẹ nên xây dựng cho bé một chế độ ăn dinh dưỡng khoa học và hợp lý, đúng giờ giấc, ghi chú các hoạt động của bé ra một cuốn sổ để nắm bắt được những điều bất thường mà có thể bình thường mẹ không nhận ra.
Nhiều trẻ bước sang 1 tuổi mới bắt đầu biếng ăn. Đó là do đây là giai đoạn trẻ bắt đầu học cách ăn thức ăn rắn. Hãy để trẻ được tận hưởng bữa ăn của mình bằng sự vui vẻ, thích thú thay vì nỗi sợ, sự ép buộc, dọa nạt, la mắng của bố mẹ.
Trên đây là những thông tin cho mẹ về chế độ ăn cho bé 1 tuổi khỏe mạnh, cao lớn, thông minh. Mẹ nên nhớ, đừng tạo áp lực của bản thân lên con cái, hãy để con được thoải mái với các hoạt động vui chơi, ăn uống của mình. Bố mẹ chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn giúp trẻ cải thiện khả năng ăn uống của mình. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích phần nào cho mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe bé yêu!