Bé sơ sinh ngủ ngày thức đêm là tình trạng rất nhiều mẹ gặp phải, vậy phải khắc phục vấn đề này như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con? Mẹ hãy tìm hiểu ngay nguyên nhân và giải pháp trong bài viết dưới đây nhé.
Bé sơ sinh ngủ ngày thức đêm: Nguyên nhân là gì?
Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh ngủ ngày thức đêm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất đó chính là do bé chưa thích nghi với yếu tố, điều kiện tự nhiên bên ngoài. Khi phải chuyển từ môi trường bên trong tử cung của mẹ ra ngoài môi trường tự nhiên, nhiều trẻ sơ sinh thường có biểu hiện quấy khóc, khó chịu, vặn mình, ngủ ít hoặc ngủ không theo giờ giấc, lịch trình,…bởi lúc này hệ thần kinh thực vật của trẻ chưa phát triển và hoàn thiện, bé sẽ ngủ – thức theo nhu cầu tự nhiên.
Ngoài ra, bé sơ sinh ngủ ngày thức đêm cũng có thể xuất phát từ một số yếu tố khác như:
Trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày
Thông thường trẻ sơ sinh sẽ có các giấc ngủ ngắn vào ban ngày, nếu mẹ để bé ngủ quá nhiều hoặc không phân chia thời gian ngủ hợp lý cho con sẽ khiến bé khó ngủ, trằn trọc vào ban đêm.
Không gian ngủ bị ảnh hưởng
Phòng ngủ của bé cần được thoáng mát, sạch sẽ, tuy nhiên nếu bị kín hơi, không thường xuyên vệ sinh và tác động bởi tiếng ồn lớn bên ngoài sẽ khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình khi ngủ,…
Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý đến yếu tố về ánh sáng và nhiệt độ, nếu để ánh sáng quá mạnh hay nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến con mệt mỏi, quấy khóc và trằn trọc về đêm.
Trẻ bị kích thích quá mức
Nhiều mẹ cho rằng, nếu ban ngày cho trẻ vui chơi, hoạt động nhiều hoặc đặt đồ chơi quanh khu vực ngủ của con, nhằm phát ra âm thanh khiến con dễ ngủ hơn thì điều này hoàn toàn sai lầm. Các chuyên gia cho rằng, việc làm này sẽ khiến bé không tập trung và tình trạng mất ngủ sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Mẹ cần biết rõ nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ ngày thức đêm để có giải pháp khắc phục hiệu quả
Bé thiếu một số dưỡng chất quan trọng
Với những bé sơ sinh ngủ ngày thức đêm nếu còn không có dấu hiệu bất thường nào đi kèm như ra mồ hôi trộm, biếng bú, chậm tăng cân, đau bụng, mệt mỏi, ốm sốt,… thì mẹ nên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe bởi rất có thể bé đang bị thiếu một số dưỡng chất quan trọng như canxi, kẽm, vitamin D,…
Thói quen sinh hoạt của người lớn
Trẻ sơ sinh thường không tuân theo một lịch trình sinh học, do vậy bé có thể ăn, ngủ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày tùy theo nhu cầu của từng bé. Nếu muốn xây dựng một thời gian biểu cho con mẹ có thể áp dụng khi bé được 6 đến 8 tuần tuổi. Tuy nhiên nếu trong gia đình có nhiều thế hệ, lịch sinh hoạt của mọi người khác nhau sẽ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần thay đổi lịch trình sinh hoạt để phù hợp, đảm bảo điều kiện tốt nhất để bé có thể ngủ ngon vào ban đêm.
Giải pháp chấm dứt tình trạng bé sơ sinh ngủ ngày thức đêm
Tình trạng bé sơ sinh ngủ ngày thức đêm nếu kéo dài thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, về lâu dài có thể gây ra rối loạn giấc ngủ và những vấn đề về tâm lý. Vì vậy, mẹ cần có giải pháp khắc phục hiệu quả nhất cho con. Dưới đây là một số biện pháp mẹ có thể tham khảo và thực hiện cho con:
- Khi trẻ được 6 đến 8 tuần tuổi, mẹ có thể dạy cho bé cách phân biệt ngày, đêm, điều chỉnh giấc ngủ ban ngày và ban đêm cho phù hợp nhất.
- Thiết lập một thói quen sinh hoạt và giờ giấc thức – ngủ nhất quán để trẻ thực hiện theo
- Thay đổi thói quen của người lớn để đảm bảo giấc ngủ ban đêm của bé trọn vẹn nhất
- Tạo lập môi trường ngủ lý tưởng cho con, không gian ngủ cần thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh và hạn chế tiếng ồn lớn
- Với trẻ sơ sinh, 6 tháng đầu cần được bú sữa mẹ hoàn toàn để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, nếu trẻ dùng sữa công thức có thể xin lời khuyên, tư vấn của chuyên gia để lựa chọn loại sữa phù hợp nhất cho con.
- Cần cho bé đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình hình sức khỏe cụ thể nhất
Bé sơ sinh ngủ ngày thức đêm mặc dù là tình trạng phổ biến nhưng mẹ cũng cần theo dõi các biểu hiện của con để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ. Hi vọng với những thông tin mà cozabebe vừa chia sẻ, mẹ sẽ có thêm kiến thức hữu ích để chăm sóc bé tốt hơn.