Bé ra mồ hôi trộm ở đầu là tình trạng phổ biến và hay gặp ở trẻ sơ sinh. Việc này làm ảnh hưởng khá nhiều đến giấc ngủ của trẻ, không những vậy đó còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý hô hấp. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ chỉ ra nguyên nhân và cách xử lý với tình trạng bé bị ra mồ hôi trộm ở đầu.
Mồ hôi trộm ở đầu là gì?
Mồ hôi trộm là tình trạng đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm và mồ hôi ra ngay cả khi trẻ không cảm thấy nóng, mặc quần áo thoáng mát, thời tiết lạnh. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì mồ hôi ra nhiều nhất là ở đầu.
Do đó, khi trẻ ngủ thì đầu là bộ phận ra nhiều mồ hôi nhất. Mồ hôi trộm sẽ khiến trẻ cảm thấy bứt rứt, trằn trọc, khó chịu, khi ngủ hay giật mình, quấy khóc. Khi giấc ngủ ban đêm không đủ sẽ khiến trẻ mệt mỏi vào ban ngày, dẫn đến biếng ăn, chậm tăng cân và có thể là còi xương suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển sau này. Khi bé ra mồ hôi trộm ở đầu nhiều mẹ có thể thấy vùng tóc dưới gáy bị rụng, tạo thành đường vành khăn, còn gọi là rụng tóc vành khăn.
Mồ hôi trộm là tình trạng đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm và mồ hôi ra ngay cả khi trẻ không cảm thấy nóng, mặc quần áo thoáng mát, thời tiết lạnh
Nguyên nhân khiến bé ra mồ hôi trộm ở đầu
Lứa tuổi bị ra mồ hôi trộm nhiều nhất thường là trẻ sơ sinh. Lý do khiến trẻ sơ sinh đổ nhiều mồ hôi trộm có thể được giải thích như:
- Thiếu hụt vitamin D hoặc canxi – một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé ra mồ hôi trộm ở đầu.
- Cơ thể trẻ sơ sinh vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Do đó sự điều hòa của hệ thần kinh cũng trong giai đoạn phát triển này cũng là nguyên nhân khách quan khiến bé đổ mồ hôi trộm.
- Điều kiện phòng ngủ quá nóng. Có thể là do mẹ cho bé mặc quần áo quá dày, ủ ấm quá kỹ hay do phòng ngủ quá kín, nóng nực.
- Bé bị ốm sốt hoặc mắc phải một số căn bệnh liên quan đến xương, hệ thần kinh, tim mạch,…
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc trẻ bị ra mồ hôi trộm ở đầu
Cách xử lý cho mẹ khi bé ra mồ hôi trộm ở đầu
Khi xác định được nguyên nhân khiến bé bị ra mồ hôi trộm, mẹ sẽ tìm được những cách xử lý cho từng trường hợp.
- Do bé bị nóng: Hãy để bé ngủ trong không gian thoáng mát, đồ ngủ rộng rãi, mát mẻ, không nên ủ trẻ quá kỹ và tránh việc đưa trẻ ra ngoài nắng. Khi thấy bé đổ mồ hôi, mẹ chỉ cần lấy khăn thấm cho hết mồ hôi để tránh việc trẻ bị cảm lạnh rồi điều chỉnh nhiệt độ phòng, quần áo cho phù hợp.
- Chế độ dinh dưỡng: Bé ra mồ hôi trộm ở đầu thường bị mất nhiều nước và cần được bổ sung bằng các loại thực phẩm có tính mát, chứa nhiều nước, nhiều vitamin và thuận tiện trong việc tiêu hóa.
Mẹ nên bổ sung thêm những thực phẩm có tính mát, nhiều nước và nhiều vitamin để cấp nước cho bé
- Do bệnh lý: Như đã nói ở trên, một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bé bị đổ mồ hôi trộm là do thiếu hụt vitamin D hoặc canxi. Do đó, để phòng ngừa tình trạng trẻ bị thiếu vitamin D mẹ cần cho trẻ tắm nắng thường xuyên, mỗi lần khoảng 20-30 phút. Thời điểm tắm nắng thích hợp là trước 9h sáng và sau 5h chiều, vào mùa đông thì mẹ có thể cho bé tắm trước 10h sáng và sau 3h chiều. Chú ý nên tắm những nơi tránh gió lùa. Trường hợp thấy bé đang có dấu hiệu thiếu canxi thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng khi thấy bé bị đổ mồ hôi trộm, vì không phải trường hợp nào cũng là nguyên nhân bệnh lý. Cha mẹ chỉ cần quan sát kỹ và để ý xem có các dấu hiệu bất thường đi kèm hay không để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Chúc bé yêu luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.