Trong 6 tháng đầu tiên, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất của trẻ. Tuy nhiên, có những giai đoạn bé biếng bú làm mẹ cũng lo lắng mất ăn mất ngủ theo. Có những cách nào để giải quyết tình trạng này hay không?
Dưới 6 tháng tuổi, trung bình mỗi ngày bé nạp 750 ml sữa vào cơ thể, chia làm nhiều lần khác nhau (khoảng 8 lần). Sau 6 tháng, bên cạnh sữa mẹ, bé có thể được cho ăn bổ sung nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng sữa mẹ vẫn rất quan trọng đối với trẻ.
Những dấu hiệu của việc bé biếng bú
Với mẹ, không khó để nhận ra khi con có tình trạng lười bú, “chê ti” mẹ. Những dấu hiệu dễ thấy nhất đó là:
- Bé quấy khóc khi được cho bú, nhất định nhè vú ra, hoặc bú lệch một bên không chịu đổi sang bên còn lại
- Thích được ngậm ti bình hơn, nhiều khi cũng từ chối không chịu bú bình
- Trẻ có biểu hiện nôn, trớ sau khi bú hoặc sau khi ăn
- Trẻ có biểu hiện về rối loạn đường tiêu hóa như đi ngoài phân sống, táo bón,…
- Bé chậm tăng cân, chiều cao so với độ tuổi
Trẻ thường chỉ bỏ bú mẹ trong một thời gian ngắn, tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bé. Con không có đủ dinh dưỡng và năng lượng cho các hoạt động hàng ngày khiến bé suy dinh dưỡng, tinh thần uể oải, kém linh hoạt.
Vì sao bé biếng bú?
Cho trẻ bú sai tư thế khiến con không thoải mái cũng là nguyên nhân bé lười bú
Để có những tác động hiệu quả, mẹ cần xác định được nguyên nhân của vấn đề nằm ở đâu. Nhiều mẹ cảm nhận rất rõ được tình trạng con không chịu bú nhưng lại không biết tại sao lại như thế. Một số nguyên nhân chủ yếu khiến bé yêu bỗng nhiên lười bú đó là:
- Con bị ốm: cũng giống như người lớn, bé bị ốm làm cho tinh thần và sức khỏe của con mệt mỏi, bé không muốn bú cũng là điều dễ hiểu. Với những em bé đã mọc răng, đôi khi con không chịu bú vì đang đau răng hoặc chuẩn bị có một chiếc răng nữa xuất hiện. Đi kèm với tình trạng bé biếng bú sẽ xuất hiện một vài dấu hiệu bệnh lý khác mẹ có thể dễ dàng nhận ra.
- Sữa mẹ đột nhiên có vị lạ: tuy còn nhỏ nhưng em bé của bạn rất nhạy cảm với mùi vị. Khi mẹ thay đổi thức ăn hoặc các món có mùi vị lạ sữa mẹ sẽ bị ảnh hưởng bởi mùi đó. Nhiều bé cảm thấy không quen, thậm chí là khó chịu với sữa mẹ trong ngày hôm đó chỉ vì lý do mẹ trót ăn thứ mà con không thích.
- Con không thích nghi được với việc bú mẹ: thường điều này xảy ra ở trẻ sơ sinh trong những ngày đầu. Đầu ti của mẹ quá to làm bé bị đầy miệng không hút được sữa, hoặc sữa mẹ nhiều lại ra mạnh nên con tạm thời chưa kịp thích ứng, khó khăn trong việc bú sữa.
- Tư thế mẹ cho bé bú không đúng: nhất là trong trường hợp bạn lần đầu làm mẹ đôi khi các hành động vụng về, ôm quá chặt hay tư thế không phù hợp khiến bé không thể lấy được lượng sữa cần thiết làm trẻ khó chịu quấy khóc.
- Các yếu tố môi trường xunh quanh tác động như có điều gì đó thu hút sự chú ý làm trẻ không nhập tâm vào việc bú. Thời tiết quá nóng quá lạnh, không gian chật hẹp hay bộ đồ trẻ mặc không phù hợp cũng là nguyên nhân làm trẻ không muốn bú.
Những mẹo hữu ích giúp chấm dứt tình trạng bé biếng bú
Biếng bú kéo dài khiến trẻ không nhận được đủ năng lượng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, có thể dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng chậm phát triển ở trẻ. Vì thế, mẹ cần chấm dứt tình trạng này nhanh chóng nhất có thể. Dưới đây là một số gợi ý mẹ có thể áp dụng để giúp con bú ngon và hấp thụ tốt nhất các chất dinh dưỡng có trong sữa:
Phương pháp da tiếp da giúp tăng cường tình cảm và hứng thú của bé trong khi bú mẹ
- Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của người mẹ: sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ. Vì thế nếu nguyên nhân bé biếng ăn xuất phát từ người mẹ thì bữa ăn của mẹ cần được điều chỉnh. Mẹ tránh ăn các loại có mùi nặng như tỏi, ớt, cá sống,…để tránh ảnh hưởng tới mùi của sữa. Bên cạnh đó mẹ nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, cho nguồn sữa mát và dào để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho trẻ.
- Theo dõi thời gian trẻ cần bú: khi trẻ còn no, chưa đói bé cũng sẽ cảm thấy “chán sữa mẹ”. Vì thế theo dõi “cữ bú” của con là rất quan trọng để giúp đưa sữa đến với bé đúng lúc con cần. Tránh để bé bị đói quá hay ép con bú thêm khi trẻ đã no.
- Phương pháp “da tiếp da”: đây là cách làm khoa học và rất hiệu quả được nhiều mẹ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới tin dùng. Trong những khoảng thời gian rảnh, mẹ đặt bé lên trước ngực để “da tiếp da”. Sự tiếp xúc thân mật sẽ giúp tăng cường lượng sữa mẹ tiết ra đồng thời cũng giúp gắn kết tình cảm mẫu tử. Bé thích thú với cách giao tiếp này và sẽ tỏ ra hưng phấn bằng cách bú mẹ nhiều hơn.
- Đừng quên sát sao tình trạng sức khỏe của bé: trước bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bé đang bị ốm mẹ hãy giúp con nhanh chóng khỏe lại nhé. Nhất là những giai đoạn phát triển quan trọng, đặc biệt là mọc răng, cơ thể bé có những chuyển biến nhất định, bé có thể vì thế mà mệt mỏi chán ti. Nếu trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thì mẹ dựa vào tình hình đi ngoài hay táo bón để điều chỉnh lại khẩu phần dinh dưỡng trong sữa cho bé. Nhanh chóng giúp bé khỏe lại để con tìm lại hứng khởi bú sữa mẹ nhé.
- Lựa chọn tư thế đúng và phù hợp trong khi bé bú sữa. Tư thế đúng phải đáp ứng được các tiêu chí về sự thoải mái của trẻ, tốc độ chảy của sữa vừa phải không nhanh không chậm. Nếu lượng sữa đang lớn, mẹ không nên nằm cho trẻ bú mà nên ngồi ôm con bú để tránh lượng sữa chảy nhiều khiến con bị sặc và như thế sẽ an toàn hơn.
Nắm được các nguyên nhân khiến bé biếng bú mẹ sẽ có cách giúp con giải quyết tốt nhất. Chăm con không bao giờ là chuyện đơn giản. Hi vọng mẹ sẽ có cách làm khoa học và phù hợp nhất cho bé nhà mình.